[In trang]
Hà Nội tăng hàm lượng chất xám cho công nghiệp chủ lực
Thứ sáu, 31/08/2018 - 08:51
Tính đến nay, Hà Nội đã có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Năm 2005, thành phố Hà Nội đã xây dựng "Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực" nhằm tập trung hình thành các ngành công nghiệp có lợi thế trên địa bàn, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường.

Sau hơn 10 năm thực hiện, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với những thương hiệu nổi bật như khóa Việt - Tiệp, đồ gia dụng Sunhouse,...Tính đến nay, Hà Nội đã có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố vẫn chưa tìm được sản phẩm công nghiệp chủ lực của kinh tế tri thức. Các chính sách hỗ trợ cũng mới chỉ đạt hiệu quả khiêm tốn, chưa đồng bộ, kiến tạo, đủ mạnh để thúc đẩy phát triển thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhằm nâng tầm sản phẩm - doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của thành phố.

Hà Nội đã có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. (Ảnh: Tạp chí Tài chính) 

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: Sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp mũi nhọn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng rõ ràng, chi phí sản xuất cao, giá trị gia tăng sản phẩm thấp… Trong khi đó, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp Hà Nội chưa hấp dẫn so với một số địa phương khác trong cả nước, thiếu cơ chế khuyến khích công nghiệp mang tính đặc thù của thủ đô…

Do đó, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, yêu cầu gia tăng hàm lượng chất xám cho sản phẩm công nghiệp chủ lực thủ đô là rất cấp thiết.

Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước đến năm 2020. (Ảnh: Báo Công Thương)

Ngày 3/5/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch số 103/KH-UBND về việc triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2018. 

Mục đích của đề án là đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) thành phố; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất các SPCNCL trên địa bàn thành phố, khu vực phía Bắc và cả nước hình thành “chuỗi cung ứng”, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới. Triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án. Hỗ trợ, tổ chức công nhận khoảng 30 sản phẩm trở thành SPCNCL thành phố Hà Nội.

Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực được công nhận và doanh nghiệp đã tham gia xét chọn cần tiếp tục được hướng dẫn, hỗ trợ, bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm... 

Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu, xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các vườn ươm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng; tăng cường quảng bá về các sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực, cung cấp rộng rãi cho các nhà sản xuất, phân phối thông qua các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại của quốc gia và thành phố… 

Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Nhật Linh