[In trang]
Chớp thời cơ từ cuộc cách mạng 4.0
Thứ hai, 27/08/2018 - 08:38
Với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin và lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số và tận dụng cơ hội mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin và lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số và tận dụng cơ hội mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Bài học từ Indonesia

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, ông Ibnu Hadi, đã thu hút sự chú ý của hàng trăm đại diện của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia và các nhà báo tại Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Đến hết tháng 6/2018, Việt Nam có khoảng 136 triệu thuê bao điện thoại di động, hơn 54% dân số sử dụng Internet

Có lẽ, sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu ngài Đại sứ không “xoáy” vào một vấn đề “hot” hiện nay với mọi quốc gia, đó là 4.0. Cách Indonesia chuẩn bị đón thêm những cơ hội, mà thực ra các cơ hội này đã được hiện thực hóa, đã được “thẩm thấu” từ Chính phủ và doanh nghiệp tại quốc gia này.

Với GDP hơn 1.000 tỷ USD vào cuối năm ngoái, Indonesia có dân số 265 triệu người, trong đó 132,7 triệu người sử dụng Internet, 177,9 triệu người dùng điện thoại thông minh và hơn 130 triệu người luôn tương tác tích cực trên các mạng xã hội.

“Với tiềm năng to lớn như vậy, Indonesia đã thực hiện một lộ trình cụ thể để biến mình thành quốc gia 4.0. Năm 2017, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu lộ trình này với một chiến lược biến Indonesia trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất vào năm 2030. Hiện nay, Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới”, ông Hadi nói. 

Indonesia đã lựa chọn 5 ngành công nghiệp chủ chốt để thực hiện các giải pháp 4.0 cho nền kinh tế, bao gồm: thực phẩm và nước giải khát, dệt may, ô tô, hóa chất và điện tử. Những ngành công nghiệp này sẽ cần được số hóa ở mức độ cao và đang đóng góp rất lớn vào GDP của Indonesia.

Với chiến lược 4.0, Indonesia cũng đã phát triển được một số doanh nghiệp lớn hoạt động trên các nền tảng kỹ thuật số, mà theo cách gọi của Đại sứ Indonesia tại Việt Nam là những chú kỳ lân tỷ USD. Cụ thể, khu vực Đông Nam Á hiện có 10 chú kỳ lân có giá trị hơn 1 tỷ USD, gồm Go-Jek, Traveloka, Tokopedia, Bukalapak, Grab, Lazada, Sea, Garena, Razer và VNG (đại diện duy nhất của Việt Nam). Đáng chú ý là, 4 doanh nghiệp trong số này đến từ Indonesia, gồm Go-Jek, Traveloka, Tokopedia và Bukalapak. Các doanh nghiệp này sử dụng rất hiệu quả nền tảng công nghệ và chính sách của Chính phủ Indonesia để phát triển nhanh chóng.

Chẳng hạn, Go-Jek, thành lập năm 2010, hiện có tổng giá trị 5 tỷ USD, sử dụng 3.000 nhân viên, 1 triệu lái xe và có 125.000 đối tác thương mại. Go-Jek đã chính thức mở rộng thị trường sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với việc đầu tư kỹ thuật và công nghệ vào công ty Go-Viet.

“Việt Nam đang đi đúng hướng để trở thành nền kinh tế số. Việt Nam cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp giống Indonesia. Do vậy, nếu biết cách khai thác tiềm năng về IT và lượng người sử dụng Internet, smartphone, Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển được nhiều doanh nghiệp lớn tỷ USD và nền kinh tế số như cách mà Indonesia đang làm hiệu quả”, ông Hadi nói. 

Khơi dậy tiềm năng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 6/2018, Việt Nam có khoảng 136 triệu thuê bao điện thoại di động, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm 2017; hơn 54% dân số sử dụng Internet. Dự kiến vào năm tới, Viettel sẽ thí điểm 5G và sẽ phổ biến tại các thành phố lớn vào năm 2020.

Một khảo sát với gần 14.100 người Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy, 37,7% người được khảo sát cho biết có Internet tại nhà, gần 92% người sử dụng Internet dưới 5 tiếng/ngày; 84,2% truy cập tin tức qua smartphone và máy tính cá nhân.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ở Việt Nam, khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới và khoảng 55% dân số sử dụng Internet. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 thuộc top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số, với khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

“Với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị và mô hình kinh doanh cũ. Những quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, thì hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn trong cách mạng công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói thêm.

Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển nền kinh tế số và có nhiều cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải áp dụng được những bài học từ các nước như Indonesia và Singapore và phải tích hợp, thống nhất được dữ liệu giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và cá nhân thành một hệ thống thống nhất và có tính chia sẻ”, ông Thiên nói.

Vượt qua thách thức

Ông Dennis Brunetti, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng, thách thức mà Việt Nam cần vượt qua sẽ không nằm ở tình trạng thiếu việc làm, hay lao động bị thay thế do công nghệ cao, mà vấn đề then chốt là giáo dục và đào tạo. “Chính phủ và các trường đại học cần phối hợp, nỗ lực để đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ cho kỷ nguyên số. Tôi nghĩ, Việt Nam đang đứng trước tương lai xán lạn nếu biết tận dụng làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Brunetti nói.

Theo ông Lê Đức Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City (thuộc Tập đoàn Viettel), công nghiệp 4.0 sẽ đem lại cơ hội ứng dụng công nghệ mới cho tất cả các doanh nghiệp trong việc phát triển các loại sản phẩm mới và mở rộng thị trường xuyên biên giới. “Tuy nhiên, thách thức chính sẽ là các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn, phải đối mặt với các vấn đề về an ninh bảo mật và khả năng thích ứng với nền kinh tế số, vì hiện nay đa số doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều hộ gia đình”, ông Hữu chia sẻ.

Trong khi đó, với kinh nghiệm của Indonesia, Đại sứ Ibnu Hadi nhấn mạnh, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo. Chính phủ Indonesia đang đầu tư một số tiền rất lớn vào giáo dục và đào tạo để đáp ứng các yêu cầu mới của công nghiệp 4.0. Kết quả là, nhờ cải thiện giáo dục và đào tạo, các ngành công nghiệp liên quan đến thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh chóng, với giá trị rất cao.

Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một trong những hoạt động hướng tới Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ được Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 là một diễn đàn quan trọng cho lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực thảo luận, chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và định hướng chính sách về phát triển và hội nhập của ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Nguồn: Báo Đầu tư