[In trang]
Sinh viên Việt chế tạo xe lăn điều khiển bằng cử động của đầu
Thứ ba, 12/12/2017 - 10:18
Xe lăn được điều khiển bằng cử động của đầu sẽ giúp cho người khuyết tật và người già yếu có thể di chuyển dễ dàng cũng như cảm thấy thoải mái hơn.

Chiếc xe lăn điện do nhóm thiết kế.

Sản phẩm nhân văn giành cho những người kém may mắn

Sản phẩm thông minh này do một nhóm sinh viên ĐH Giao thông vận tải, phân hiệu TP.HCM nghiên cứu. 

Lâm Quang Thái, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết những lần làm tìm nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội, Thái được chứng kiến sự khó khăn, bất tiện của những người khuyết tật khi di chuyển. Từ câu chuyện đó, Thái đã cùng với một số thành viên trong lớp lên ý tưởng thiết kế một sản phẩm có khả năng hỗ trợ người bị khuyết tật, người già yếu tay chân không còn linh hoạt.

Sản phẩm xe lăn điện này có điểm đặc biệt là di chuyển dễ dàng theo ý muốn của người dùng bằng việc điều khiển theo các cử chỉ đầu của người sử dụng.  

Xe có các cảm biến khoảng cách để đảm bảo an toàn khi di chuyển, giá thành rẻ. Bộ điều khiển của sản phẩm được thiết kế theo dạng module nên có thể thay thế hoặc sửa chữa dễ dàng trong quá trình sử dụng.

Sản phẩm có thể lắp đặt dễ dàng trên các sản phẩm xe lăn chạy bằng điện bình thường khác. Trên xe lăn sẽ trang bị máy tính nhúng Raspberry Pi3 và camera có khả năng truyền hình ảnh về người thân, trung tâm bệnh viện để giám sát và theo dõi tình trạng hiện tại của người dùng thông qua mạng internet.

Đồng thời hệ thống cũng được điều khiển từ xa thông qua giao diện trên màn hình máy tính của người giám hộ.

“Chức năng lớn nhất của xe lăn là hỗ trợ người khuyết tật và người già yếu, những người mất khả năng cử động chân tay. Việc điều khiển bằng cử động của đầu sẽ giúp cho người khuyết tật mất khả năng sử dụng chân tay và người già yếu có thể di chuyển dễ dàng, cảm thấy thoải mái” -Nguyễn Văn Huy, thành viên nhóm nói.

Các thành viên nhóm tại Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM năm 2017. 

Hoàn toàn có thể thương mại hóa

Xe lăn được điều khiển thông qua bộ điều khiển nhận tín hiệu từ cảm biến được đặt trên đầu người sử dụng truyền về. Cảm biến trên đầu sẽ kết hợp với cảm biến khoảng cách để đảm bảo an toàn cho người dùng trong quá trình di chuyển, như dừng khi có chướng ngại vật phía trước hoặc khi gặp bậc tam cấp, hố sâu, địa hình gồ ghề.

Thông qua tín hiệu nhận được từ cảm biến thì bộ điều khiển sẽ xuất tín hiệu điều khiển cơ cấu chấp hành làm cho xe lăn di chuyển theo ý muốn của người sử dụng (theo chuyển động của đầu gồm: nghiêng trái - nghiêng phải - cuối phía trước - ngã phía sau - thẳng đứng).

Đồng thời trong lúc hoạt động, camera trên xe lăn sẽ truyền hình ảnh của người dùng về cho người thân hoặc trung tâm của bệnh viện thông qua mạng wifi. Từ đó, người thân hoặc trung tâm của bệnh viện có thể giám sát và điều khiển từ xa khi có sự cố.

Trịnh Trương, thành viên nhóm, tự tin nếu sản phẩm sản xuất theo quy mô công nghiệp thì giá thành của sản phẩm hoàn toàn rẻ hơn so với giá của xe lăn điện khác trên thị trường và phù hợp với mức sống của người Việt Nam.

Mặc dù có nhiều tiện ích nhưng theo các thành viên nhóm, xe cũng có nhiều hạn chế cần khắc phục. Trương Tấn Ngọc, thành viên nhóm, cho hay bước đầu xe chỉ di chuyển tốt trên mặt đường bằng phẳng. Còn với mặt đường gồ ghề, nhiều chướng ngại vật thì xe dễ xảy ra sự số. Mẫu mã sản phẩm hiện tại chưa thật sự bắt mắt, nhiều chi tiết còn cồng kềnh.

“Trong tương lai, nhóm sẽ cải tiến một số thuật toán để xe di chuyển mượt hơn và hoàn thiện mẫu mã xe lăn để tiến đến thương mại sản phẩm” - Ngọc nói.

Đánh giá sản phẩm của nhóm, Th.s Võ Thiện Lĩnh, giảng viên bộ môn Điện - Điện tử, ĐH giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM, cho biết dự án này thực sự có ý nghĩa thiết thực cho người khuyết tật và người già yếu. Sản phẩm xe lăn điện cũng nhận được sự quan tâm của nhà trường.

“Trong thời gian tới, các thành viên nhóm nên đăng ký bản quyền và tiến tới việc thương mại sản phẩm. Để thương mại hóa sản phẩm thì nhóm cần tính toán lại cơ cấu truyền động một cách chính xác, cải thiện lại một số thuật toán để tối ưu hơn và hoàn thiện mẫu mã bắt mắt hơn” - Th.s Lĩnh nói.

Theo Khám phá