[In trang]
Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư FDI tại Việt Nam
Thứ ba, 12/12/2017 - 10:15
Chính sách pháp luật về đầu tư nước ngoài, việc quản lý, thu hút FDI sẽ giúp gia tăng giá trị, đóng góp nhiều hơn nữa cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững ở Việt Nam.

Lịch sử 30 năm thu hút FDI của Việt Nam kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987 đã ghi nhận 3 lần sửa đổi vào năm 1990,1992, 2000 và 3 lần thay thế bằng các luật mới 1996, 2005 và 2014. Những điều chỉnh qua các giai đoạn đều liên quan đến quan điểm, mục tiêu thu hút và phương thức quản lý đầu tư nước ngoài. Từ năm 2005, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau được thống nhất áp dụng quy định pháp luật chung là Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

Tại Hội thảo "Thách Thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" diễn ra sáng 7/12/2017, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện nguồn vốn FDI đóng góp lớn khi cứ 10 đồng xuất khẩu thì có 7 đồng đóng góp từ FDI.

VCCI đã tiến hành khảo sát đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Câu trả lời của các nhà đầu tư đó là Việt Nam có chính sách thuế ổn định, truyền thống, đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định, và thuế ổn định. Về mặt hạn chế, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp.

Đến nay, pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi lớn, có nhiều cam kết quan trọng. Ví dụ như Điều 13 Luật đầu tư 2014 vừa qua đã ghi rõ Nhà nước Việt Nam đảm bảo đầu tư thay đổi trong trường hợp thay đổi pháp luật, trường hợp thay đổi chính sách theo hướng không có lợi bằng thì nhà đầu tư được đảm bảo áp dụng theo quy định cũ. Đây là cam kết quan trọng đối với nhà đầu tư.

Trước khi quyết định đầu tư, sự ổn định và nhất quán là điều quan trọng nhất giúp nhà đầu tư yên tâm. Những thay đổi chính sách không nhất quán sẽ khiến tăng rủi ro.

Trong năm 2007 khi ban hành chính sách, hoạt động tham vấn vô cùng hiếm hoi, nhưng giờ điều kiện lấy ý kiến doanh nghiệp đã vô cùng rộng rãi. Mong rằng thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ góp ý để hàng quý VCCI tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp gửi Chính phủ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), trong 11 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tính tới tháng 11/2017, cả nước có 2.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, thu hút vốn FDI đạt kết quả tốt. Tính chung trong 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, vốn tại chỗ tăng thêm cũng tăng trên 50%, góp vốn mua cổ phần cũng tăng trên 50%, giúp tăng khả năng quản trị và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Khu vực đầu tư nước ngoài cũng có những đóng góp tích cực đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều bất cập cần điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới. Việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ dẫn đến cạnh tranh gay gắt, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ đã có sự chuyển dịch cơ cấu, xu hướng đầu tư, làn sóng FDI. Do đó, việc thay đổi chính sách pháp luật với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn.

Theo Trang thông tin điện tử Công nghiệp hỗ trợ