[In trang]
Kết nối cung - cầu sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ TP.HCM
Thứ ba, 12/12/2017 - 10:14
TPHCM cần xây dựng thêm chợ đầu mối về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và siêu thị online để các công ty, cá nhân có nhu cầu và nhà cung ứng có điều kiện hợp tác, đề xuất những ý tưởng, ý kiến về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ với nhau một cách có hiệu quả nhất.

Ngày 8/12/2017, tại buổi hội thảo Kết nối cung - cầu sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, đại diện Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ TP đón tiếp trên 330 lượt khách đến tham quan; bước đầu thu thập 860 thông tin doanh nghiệp làm nền tảng xây dựng cổng cơ sở dữ liệu tại www.csid.gov.vn.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức 14 cuộc kết nối giao thương doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI, nước ngoài; giới thiệu khoảng 160 doanh nghiệp tham gia kết nối trực tiếp, qua đó nâng cao năng lực cung ứng, có cơ hội trở thành cung ứng tiềm năng và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Phát triển gành công nghiệp hỗ trợ luôn là chính sách ưu tiên của Tp. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây và giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện chủ trương của Chính phủ, là đến năm 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu nội địa và năm 2025 lên mức 65%. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu trên là vô cùng khó khăn, nên Tp. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều cơ chế chính sách và giải pháp; trong đó chú trọng liên kết với các tỉnh, thành phố khác để cùng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và làm sao đưa được các cơ chế chính sách Nhà nước đến với đơn vị sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, để doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ… đẩy mạnh nội địa hoá sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cho sản xuất, giảm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào… Nhưng ghi nhận thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn mang tính tự phát, thiếu hệ thống ngành cũng như thông tin thị trường. 

Cùng với đó, tính liên kết giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành trọng yếu chưa cao, chưa kết nối sâu rộng với doanh nghiệp các tỉnh thành. Trong đó, doanh nghiệp truyền thống có xu hướng tự tìm con đường riêng thay vì liên kết, kết nối tạo sức mạnh cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. 

Góp ý tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM cần mở rộng hơn nữa các điểm, mô hình cũng như tạo hành lang chính sách thông thoáng nhằm đẩy mạnh phát triển mạng lưới kết nối cung - cầu sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, TPHCM cần xây dựng thêm chợ đầu mối về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và siêu thị online để các công ty, cá nhân có nhu cầu và nhà cung ứng có điều kiện hợp tác, đề xuất những ý tưởng, ý kiến về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ với nhau một cách có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa xúc tiến các chương trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước có liên quan đến các ngành công nghiệp hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ.

Về chính sách, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần thực hiện luật thuế xuất khẩu và nhập khẩu sửa đổi một cách triệt để. Không để tình trạng nhập nguyên thiết bị máy móc thuế nhập khẩu 0%, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay.

Đề nghị TPHCM có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho các nhà cung cấp, sản xuất công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp này có thể cung cấp các sản phẩm nội địa hóa với giá thành hợp lý nhất. 

Theo trang thông tin điện tử Công nghiệp hỗ trợ