[In trang]
Quy hoạch ngành dệt may- Hướng đến các giá trị cốt lõi
Thứ hai, 11/12/2017 - 08:40
Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành và Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng - nhấn mạnh, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn, đóng góp khoảng 16% trong tỷ trọng xuất khẩu của cả nước, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động ở vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, ngành dệt may hiện phát triển không đồng đều, thượng nguồn vốn là khâu mang lại giá trị thặng dư cao lại chưa phát triển kịp khâu hạ nguồn. Vì vậy, việc xem xét, điều chỉnh nhằm tìm ra hướng phát triển phù hợp, ổn định cho ngành dệt may trong thời gian tới là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày một sâu rộng, cơ hội phát triển là rất lớn.

Theo dự thảo đề án, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 3.000 nghìn tấn sợi, năm 2025 đạt 3.700 nghìn tấn, năm 2035 đạt 5.000 nghìn tấn; về vải đạt 2.200 nghìn tấn, 3.500 nghìn tấn, 4.700 nghìn tấn; về sản phẩm may đạt 6.000 triệu sản phẩm, 8.000 triệu sản phẩm và 10.000 triệu sản phẩm. Trong giai đoạn tới ngành dệt may cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về lao động, lao động giá rẻ cũng không còn là lợi thế, do đó xuất khẩu sẽ giảm tốc độ tăng trưởng, nhập khẩu cũng sẽ không tăng cao do giai đoạn 2015-2025 ngành đã tự sản xuất được một số loại nguyên phụ liệu.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho hay: Nhu cầu dệt may thế giới ngày một tăng, bình quân từ 2-3% mỗi năm. Năng lực sản xuất hầu như dồn về khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc… và khu vực Nam Á, gồm: Ấn Độ, Bangladesh... Hai khu vực này đang chiếm 8% năng lực sản xuất dệt may toàn cầu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần sản xuất ở những ngành thâm dụng lao động, đẩy sản xuất sang các nước khác trong đó có Việt Nam, do vậy cơ hội phát triển cho ngành dệt may là rất lớn. Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, ngành dệt may cần một quy hoạch có tính định hướng dài hạn, trong đó tập trung tháo gỡ những nút thắt và hướng đến các giá trị cốt lõi. Cụ thể, ngành cần đầu tư cho phát triển khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vải trong nước, đồng thời nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho hàng hóa, góp sức phát triển khâu thiết kế.

Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP cũng chia sẻ: Hiện ngành may mặc đang cạnh tranh về lao động rất lớn. Không chỉ ở thời điểm trước mắt là những lao động được tuyển dụng, đào tạo ngắn hạn thiếu mà về lâu dài các trường cao đẳng, đại học có khoa dệt may công tác tuyển sinh rất khó khăn. Do đó, quy hoạch mới cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm gỡ nút thắt này.

Theo ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu, quy hoạch phát triển ngành dệt may trong giai đoạn tới không nhất thiết phải đầu tư dàn trải vào tất cả các phân ngành mà ưu tiên cho những lĩnh vực thế mạnh và mang lại giá trị gia tăng cao. Nhà nước thu hút đầu tư cho sản xuất theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh rủi ro khi phụ thuộc và một vài thị trường. Quy hoạch cũng đưa thêm phần đánh giá xu hướng tiêu dùng nhằm định hướng cơ cấu cho từng chủng loại sản phẩm.

Về vốn, quy hoạch không nên chỉ đề nghị các ngân hàng thương mại bảo lãnh cho các doanh nghiệp dệt may vay vốn mà mở rộng đối tượng tới các tổ chức tín dụng nhằm tăng khả năng vay vốn của doanh nghiệp.

Việt Nga