[In trang]
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành cơ khí phát triển nhờ chính sách
Thứ năm, 30/11/2017 - 14:17
Nhiều doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển các dự án mới nhờ chính sách hỗ trợ từ chính quyền thành phố.

Nhiều doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển các dự án mới nhờ chính sách hỗ trợ từ chính quyền thành phố. Đây là chia sẻ của ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty cơ khí Duy Khanh cho biết tại buổi họp giới thiệu Hội chợ Vietnam Expo lần thứ 15 và triển lãm quốc tế ngũ kim - dụng cụ cầm tay 2017.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn chung của toàn ngành cơ khí, các doanh nghiệp (DN) tại TP. Hồ Chí Minh được cho là có lợi thế tốt hơn. Theo đó, hiện nay các DN cơ khí trên địa bàn đang có cơ hội phát triển khi UBND thành phố ra Quyết định số 15 ngày 16/3/2017 quy định về hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp trong nước khi đầu tư phát triển dự án thuộc 4 ngành trọng yếu sẽ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi lên đến 200 tỷ đồng/dự án.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (gồm Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank).

Từ sự hỗ trợ này, rất nhiều DN cơ khí trên địa bàn thành phố đã tham gia đầu tư, trong đó có Công ty Cơ khí Duy Khanh. Gần đây nhất vào đầu tháng 11/2017, Cơ khí Duy Khanh đã đầu tư 116,3 tỷ đồng cho Dự án nhà máy chế tạo máy và khuôn mẫu chính xác Duy Khanh đặt tại Khu công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh. Việc đầu tư lần này của Duy Khanh nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà mua hàng quốc tế, hướng tới mục tiêu lâu dài, tạo nền tảng phát triển bền vững cho công ty.

Mặc dù vậy, Hội doanh nghiệp cơ - khí điện TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu đánh giá chung toàn ngành cơ khí hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là các chính sách thuế. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, thông thường những sản phẩm nào nhập khẩu thì phải chịu thuế còn hàng trong nước thì thuế thấp hơn hoặc bằng 0 để tạo lợi thế cho DN trong nước, kích thích tiêu thụ. Tuy nhiên ngành cơ khí thì ngược lại, bởi máy móc thiết bị nhập khẩu được tính thuế bằng 0 còn máy sản xuất trong nước do phải mua linh kiện nước ngoài để chế tạo nên phải chịu thuế nhập khẩu. Điều này tạo rào cản lớn cho DN cơ khí trong nước khi tham gia vào lĩnh vực chế tạo máy.

Thêm vào đó, ngành cơ khí có biên lợi nhuận thấp nên cũng rất khó cạnh tranh với hàng cơ khí ngoại nhập, dẫn đến số lượng DN của ngành rất ít. Do đó, dù nhu cầu về sản phẩm cơ khí là rất lớn nhưng do DN Việt tiềm lực yếu nên rất khó phát triển mạnh mẽ được như các DN ngoại.

Một khó khăn nữa mà DN cơ khí đang đối mặt là lực lượng DN FDI ngày một nhiều ở Việt Nam. Trong quá trình đầu tư, họ được lợi thế về chính sách thu hút đầu tư cho DN FDI, họ có lợi thế cùng “quốc tịch” với các DN FDI khác. Chẳng hạn Hàn Quốc có rất nhiều DN đầu tư ở Việt Nam, họ có sự hỗ trợ lẫn nhau nên sản phẩm sẽ cạnh tranh tốt hơn so với DN Việt.

Để ngành cơ khí phát triển, Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh đề xuất cần có cơ chế thông thoáng hơn để thúc đẩy DN đầu tư phát triển, đặc biệt là tạo sân chơi bình đẳng trong chính sách thuế. 

Mai Lan